Gia đình là đơn vị cơ bản của xã hội và là yếu tố quan trọng thể hiện sự văn minh tiến bộ. Cùng với sự phát triển của kinh tế, trong một xã hội hiện đại, cuộc sống cá nhân đã và đang được tôn trọng, trong đó có nguyện vọng, nhu cầu, tương lai phát triển của mỗi con người. Đồng thời, điều này cũng đòi hỏi sự dung hòa, hợp lý giữa cái riêng và cái chung trong mỗi gia đình, sự nỗ lực cùng nhau phấn đấu cũng như sự tôn trọng giữa các thành viên. Nếu đánh mất sự công bằng này, thì mâu thuẩn sẽ nảy sinh. Hiện nay, quan hệ vợ chồng là quan hệ bình đẳng, dân chủ, bởi cả hai cùng lao động nuôi con cái và có trách nhiệm với gia đình, cho nên cần có tinh thần tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau, cùng góp sức, tự nguyện, tự giác để đảm bảo cuộc sống ổn định, êm ấm của gia đình.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tình trạng bạo lực gia đình có chiều hướng gia tăng ở nhiều nơi, nhiều đia phương...trong mỗi gia đình bất kể sự khác nhau về tuổi tác, nghề nghiệp dân tộc hay tôn giáo, không những gây nên sự xáo trộn trong cuộc sống cộng đồng, ảnh hưởng đến xã hội, bạo lực gia đình còn làm tổn hại sức khỏe và sự phát triển của các thành viên trong gia đình, tạo sự rạn nứt tan vỡ hạnh phúc gia đình và là sự vi phạm thô bạo đến quyền con người. Có nhiều nguyên nhân cả chủ quan, lẫn khách quan dẫn đến tình trạng này, liên quan đến các vấn đề dân trí, kinh tế, giáo dục, trong đó có một phần không nhỏ do sự buông lỏng quản lý, thiếu quan tâm tuyên truyền, vận động và chưa quan tâm đầy đủ những phương thức, biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình có hiệu quả.
Một trong những giải pháp quan trọng gắn với hoạt động cộng đồng trong ngăn ngừa, phòng, chống bạo lực gia đình là cần lồng ghép nội dung phòng, chống bạo lực gia đình vào phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, gia đình văn hóa, ấp, khóm văn hóa...thông qua các hình thức giáo dục vận động gia đình. Cộng đồng và xã hội hãy phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, chọn lọc những giá trị tiến bộ của xã hội phát triển, phối hợp xây dựng các văn bản như: Quy ước, Quy chế dân chủ cơ sở tại các ấp, khóm và các tiêu chuẩn của gia đình văn hóa…để đề cao trách nhiệm của các thành viên trong gia đình.
Có thể nói, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc là trách nhiệm của toàn xã hội, của các cơ quan quản lý Nhà nước. Song, trước hết là của từng gia đình và sự nhận thức của mỗi thành viên trong một xã hội văn minh và hiện đại./.
Nguyễn Văn Đô