Nguồn vốn tính dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thới Bình luôn đồng hành, sát cánh cùng hộ nghèo và các đối tượng khó khó khăn bằng cách cho vay trực tiếp, kịp thời “tiếp sức” cho các hộ vay vốn có thêm điều kiện phát triển kinh tế, vươn thoát nghèo và từng bước làm giàu, góp phần tích cực vào phong trào xây dựng nông thôn mới cho địa phương.
Để tiếp tục phát huy tốt hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội, góp phần tích cực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới, Ngân hàng chính sách xã hội huyện luôn hướng tới sinh kế bền vững cho hộ khó khăn, có tổng dự nợ là hơn 326 tỷ, tăng trưởng 28 tỷ so với đầu năm, tỷ lệ 87% với 14.734 hộ vay là đối tượng hộ nghèo và cận nghèo và các đối tượng chính sách khác. Riêng trong năm 2020, doanh số cho vay là 88 tỷ và doanh số dự nợ là 62 tỷ, tổng số hộ vay vốn năm nay là 3.797 hộ, đây là nguồn vốn giúp sức rất lớn để các đối tượng khó khăn có điều kiện phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, phó Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội huyện Thới Bình nói: “ Những năm vừa qua, Ngân hàng chính sách xã hội huyện phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các xã thị trấn rà soát đặt biệt đối với các đối tượng ưu tiên khác để hỗ trợ vốn, nguồn vốn này có tác động rất lớn đến công tác giảm nghèo, an sinh xã hội đặc biệt là trong xây dựng nông thôn mới.”
Với chu kỳ dài, lãi suất hợp lý, nhiều hộ khó khăn đã mạnh dạn vay vốn sản xuất, chăn nuôi để thoát khỏi cảnh nghèo khó, thu nhập hàng năm khoảng vài chục triệu đồng. Cụ thể, gia đình bà Nguyễn Hồng Loan, ấp Cái Sắn Vàm, xã Biển Bạch Đông, là một trong những hộ nghèo sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thới Bình để phát triển kinh tế, gia đình bà được cho vay 25 triệu đồng từ chương trình hộ nghèo để đầu tư buôn bán tạp hóa và chăn nuôi tổng hợp. Tiệm tạp hóa của gia đình bà mỗi ngày cho thu nhập từ 500-600 ngàn đồng.
Bà Nguyễn Hồng Loan, vui mừng chia sẻ: “Trước đây, kinh tế gia đình bấp bênh, tôi vay Ngân hàng chính sách có đồng vốn mua bán nhỏ và mua thêm gà vịt chăn nuôi, dần dần có thêm vốn liếng thuê 10 công đất nuôi tôm thu nhập ngày càng ổn định và gia đình đăng ký thoát nghèo được mấy năm rồi”.
Toàn huyện có 318 tổ hoạt động tín dụng của 4 ngành đoàn thể gồm: Hội nông dân, Hội liên hiệp Phụ nữ, Đoàn thanh niên và Cựu chiến binh, trong đó, có khoảng 65% tổ hoạt động tốt, hơn 25% tổ hoạt động khá còn lại 10% hoạt động trung bình. Cũng các tổ tín dụng vận động và hỗ trợ nhiều hộ gia đình trên địa bàn có cơ hội đầu tư xây dựng các công trình nước sạch, vệ sinh môi trường, đầu tư cho con cái học hành, kể cả có cơ hội việc làm ở nước ngoài thông qua xuất khẩu lao động,… tạo điều kiện để nhiều hộ vượt qua khó khăn, chất lượng cuộc sống dần được nâng lên. Ông Sơn Thành cùng ấp với bà Loan cho biết: “ Hồi trước gia đình tôi cũng khổ, con đi học Đại học ra trường về không có việc làm, Nhà nước có chủ trường cho vay đi xuất khẩu lao động nên tôi đã đăng ký cho con đi, nguồn vốn chính sách cho tôi vay được 86 triệu rồi gia đình kiếm thêm đủ 120 triệu cho con đi, giờ nó gửi tiền về hàng tháng vài chục triệu nên cuộc sống thoải mái hơn”.
Được biết nguồn vốn cho vay xuất khẩu lao động có chu kỳ 3 năm, lao động được làm tại Nhật Bản với mức lương cơ bản từ 40-60 triệu đồng/tháng. Từ đó, không chỉ thực hiện hiệu quả việc giảm nghèo mà còn giúp thu nhập hộ gia đình ngày càng tăng cao, góp phần tăng hộ khá giàu, đưa phương phát triển ổn định, tiến tới xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, phó Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội huyện Thới Bình cho biết: “So số liệu rà soát chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2015-2020 thì đến cuối 2020 huyện giảm rất là nhiều, so với cuối năm 2015, nguồn vốn tín dụng chính sách góp phần giảm 74% tỷ lệ hộ nghèo của toàn huyện.”
Đến cuối năm nay, hộ nghèo trên địa bàn huyện chỉ còn 545 hộ, chiếm tỷ lệ 1,55%. Có thể khẳng định, nguồn vốn tín dụng chính sách là một trong những chương trình tín dụng ưu đãi có sức lan tỏa, nhận được sự đồng tình, hưởng ứng cao của cấp ủy, chính quyền địa phương và các hộ dân. Ngân hàng Chính sách xã hội đã và đang phát huy tốt vai trò là “bệ đỡ” giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập vươn lên khá giàu./.
THÙY LINH