Cùng với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, mục tiêu giảm nghèo đã thực sự trở thành nhiệm vụ chính trị quan trọng của các cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể huyện Thới Bình. Các chính sách, chế độ được triển khai đồng bộ, với nhiều giải pháp đem lại hiệu quả hữu hiệu. Người nghèo từng bước được cải thiện về đời sống, tiếp cận tốt hơn các chính sách và nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng giúp họ tự mình nỗ lực vươn lên, tạo cơ hội thoát nghèo bền vững.
Với mục tiêu tạo sự đột phá trong công tác giảm nghèo, các chương trình, dự án, các giải pháp, chính sách an sinh xã hội đã được đổi mới cách tiếp cận, huy động được nhiều nguồn lực. Bên cạnh sự chỉ đạo sát sao của các cấp lãnh đạo, huyện Thới Bình cũng đã có nhiều cách làm mới, sáng tạo, tập trung giảm nghèo có trọng tâm, trọng điểm ở các hộ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Công tác giảm nghèo ở Thới Bình được quan tâm thực hiện, nhất là việc huy động các doanh nghiệp hỗ trợ các chương trình về nhà ở, các giống tôm càng xanh và lúa giống thuộc chương trình 135… Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong thực hiện chương trình giảm nghèo đã đạt được những kết quả khả quan, cụ thể như: năm 2018 tổng số hộ nghèo toàn huyện là 928 hộ; hộ cận nghèo 957 hộ. Qua điều tra rà soát trong năm 2019 hộ nghèo giảm 218 hộ, đạt tỷ lệ 91% kế hoạch; hộ cận nghèo giảm 219 hộ, đạt 130,4% kế hoạch. Hiện nay, số hộ nghèo toàn huyện còn 710 hộ, chiếm tỷ lệ 2,03%; hộ cận nghèo còn 738 hộ, chiếm tỷ lệ 2,11%. Đặc biệt không còn hộ nghèo, cận nghèo thuộc gia đình chính sách.
Với mục tiêu “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”. Việc thực hiện công tác đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững được tổ chức triển khai thực hiện một cách đồng bộ từ công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm và các chính sách hỗ trợ thiết thực khác. Thực hiện Quyết định Số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “ Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”; với yêu cầu lao động phải được tiếp cận những kỹ thuật tay nghề, lựa chọn các nghề phù hợp để chuyển đổi nghề nghiệp, tạo việc làm tại chỗ, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn nhàn rỗi, cung cấp nguồn nhân lực có tay nghề để phục vụ chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, có trình độ năng lực, có phẩm chất đạo đức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Cụ thể, trong năm 2019 huyện đã tổ chức giới thiệu, tư vấn, giải quyết việc làm cho 13 lao động (trong tỉnh 02 lao động, ngoài tỉnh 02 lao động, lao động thị trường ngoài nước 08 lao động). Lũy kế 4.730 lao động (có 2.355 lao động nữ tham gia), đạt 105,1% kế hoạch tỉnh 4.500 lao động; đạt 118,3% kế hoạch huyện 4.000 lao động. Trong đó, trong tỉnh 840 lao động, ngoài tỉnh 3.857 lao động, làm việc ở thị tường ngoài nước theo hợp đồng 33 lao động. Đối với công tác đào tạo nghề huyện đã tổ chức được 68 lớp với 2.073 lao động, đạt 110,2% kế hoạch tỉnh giao; đạt 102,1% kế hoạch huyện. Trong đó, 10 lớp đào tạo nghề theo đề án 1956 cho 298 lao động và 58 lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho lao động nông thôn (ngoài đề án 1956) cho 1.775 lao động.
Cùng với đó, để giúp hộ mới thoát nghèo cũng như hộ có điều kiện khó khăn được hỗ trợ chăm sóc y tế, từ đó hạn chế phát sinh nghèo, tái nghèo, trong thời gian qua, huyện Thới Bình đã cấp thẻ BHYT cho người nghèo thuộc hộ nghèo và người nghèo thuộc hộ cận nghèo. Công tác khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho người nghèo đã có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng khám chữa bệnh từng bước được nâng lên.
Việc triển khai chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo ở nông thôn theo Quyết định 33/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định chủ trương, quyết sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Chính sách nhận được sự đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao của nhân dân, đặc biệt là hộ nghèo. Kết quả thực hiện chính sách đã tạo điều kiện cho hộ nghèo có nhà ở an toàn, ổn định, giúp cho họ yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo, góp phần thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Đồng thời, thông qua việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở đã khơi dậy tinh thần tương thân, tương ái, đoàn kết giúp đỡ trong cộng đồng theo đúng chủ trương “Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ, hộ gia đình tham gia đóng góp để xây dựng nhà ở”. Cụ thể, trong năm 2019 huyện đã hỗ trợ xây cất 25/35 căn cho các đối tượng thụ hưởng theo Quyết định 33/2015/QĐ-TTg. Ngoài ra, những chính sách đặc thù hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn của Trung ương, của tỉnh cũng đã được huyện vận dụng linh hoạt, phát huy hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân trên địa bàn huyện. Trong đó, việc cho vay vốn đối với các hộ nghèo đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của các cấp chính quyền, sự phối hợp của các đoàn thể.
Giảm nghèo bền vững và bảo đảm an sinh xã hội là một chủ trương lớn, nhất quán của Đảng và Nhà nước. Trong những năm qua, hệ thống chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội ngày càng được tăng cường, hoàn thiện và hiệu quả, người nghèo tiếp cận được đầy đủ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Với những giải pháp thiết thực và đồng bộ, công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện đã đạt được những kết quả quan trọng. Đời sống hộ nghèo, hộ cận nghèo từng bước được cải thiện, chính sách an sinh xã hội được đảm bảo. Đây sẽ là tiền đề vững chắc góp phần đảm bảo ổn định xã hội, từng bước nâng cao đời sống của nhân dân, tạo đà cho sự phát triển vững bền của huyện nhà.
Ngoài những kết quả đáng ghi nhận thì công tác xóa đói giảm nghèo trên địa bàn huyện vẫn còn gặp nhiều khó khăn điển hình là giải quyết việc làm cho hộ nghèo. Phần lớn hộ nghèo thuộc nhóm đối tượng bảo trợ xã hội như già cả, cô đơn, bệnh tật, khuyết tật ... không lao động được nên không có thu nhập để thoát nghèo
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác giảm nghèo, trong thời gian tới huyện đã đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp như: phát động và hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo. Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Thực hiện đồng bộ, có hiệu quả cơ chế, chính sách giảm nghèo, cải thiện điều kiện sống của người nghèo và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, trong đó ưu tiên đầu tư về cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội ở các xã nghèo, ấp đặc biệt khó khăn, trước hết là có sở hạ tầng thiết yếu, về điện, đường, trường, trạm, nước sinh hoạt… theo tiêu chí nông thôn mới.
Tăng cường giám sát, đánh giá bảo đảm cho Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được thực hiện có hiệu quả, đúng mục tiêu, đúng đối tượng. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các tầng lớp nhân dân về tiêu chí tiếp cận nghèo đa chiều, mục tiêu giảm nghèo bền vững, góp phần tạo được sự đồng thuận và phát huy sức mạnh tổng hợp trong việc triển khai thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nhiều hình thức, tăng cường nội dung để người nghèo tiếp cận các chính sách giảm nghèo, phổ biến các mô hình giảm nghèo có hiệu quả, các gương thoát nghèo, khơi dậy ý chí chủ động vươn lên của hộ nghèo, tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả chính sách và nguồn lực hỗ trợ của nhà nước. Tăng cường sự tham gia của người dân vào mọi hoạt động của Chương trình; lấy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, đẩy mạnh công cuộc giảm nghèo là nhiệm vụ trung tâm. Không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người nghèo.