Thới Bình đẩy mạnh công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình
Trong những năm qua, công tác gia đình luôn được các cấp, các ngành, đoàn thể trong huyện Thới Bình quan tâm, chỉ đạo, quán triệt sâu sắc quan điểm “Đầu tư cho gia đình là đầu tư cho sự phát triển bền vững, bảo đảm nguồn lực, đồng thời huy động sự đóng góp của toàn xã hội cho công tác gia đình”. Đặc biệt, kể từ khi có Chỉ thị số 49-CT/TW ngày 21/2/2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá IX) về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đội ngũ cán bộ về công tác gia đình của huyện Thới Bình được hình thành, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Vừa qua, ngày 25/02/2020 UBND huyện Thới Bình đã triển khai kế hoạch số 15/KH-UBND về thực hiện công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn huyện năm 2020. Theo đó, Ban Chỉ đạo công tác gia đình huyện Thới Bình và các xã thị trấn tập trung chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở tổ chức, thực hiện có hiệu quả các hoạt động, nội dung quản lý Nhà nước về gia đình; tiếp tục tạo sự chuyển biến hơn nữa trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình năm 2020 với chủ đề: “Xây dựng nhân cách con người Việt Nam từ giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình”. Qua đó, nâng cao ý thức trong cán bộ, công chức, viên chức và cộng đồng xã hội trong việc xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, thực sự là tổ ấm của mỗi người, để mỗi gia đình là một tế bào lành mạnh của xã hội. Thông qua đó, nhằm giữ gìn và tôn vinh các giá trị văn hóa gia đình Việt, nâng cao trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân trong việc xây dựng gia đình Việt Nam “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và bền vững”.
Ngay sau khi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình có hiệu lực, để các quy định của luật thật sự đi vào cuộc sống, bên cạnh việc tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến luật, Ban Chỉ đạo công tác gia đình huyện Thới Bình đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền; đồng thời, ban hành nhiều văn bản, như: Kế hoạch số 01/KH-UBND ngày 08/01/2015 về việc thực hiện Đề án “kiện toàn, đào tạo nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ thực hiện công tác gia đình các cấp đến năm 2020”; Kế hoạch số 02/KH-UBND ngày 08/01/2015 về triển khai, thực hiện Đề án “phát huy giá trị tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình và hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững đến năm 2020 trên địa bàn huyện Thới Bình”; triển khai thực Công văn số 1094/UBND ngày 30/5/2016 của UBND huyện về quy chế phối hợp liên ngành phòng, chống bạo lực gia đình; Công văn số 103/UBND ngày 12/01/2017 của UBND huyện về việc triển khai Quyết định số 4022/QĐ-BVHTTDL ngày 18/11/2016 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành bộ tiêu chí và đánh giá thực hiện “Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020”…
Để việc thực hiện có hiệu quả, hằng năm, Ban Chỉ đạo công tác gia đình huyện phối hợp với các thành viên Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” huyện thành lập các đoàn kiểm tra việc triển khai phong trào, trong đó có nội dung kiểm tra công tác phòng, chống bạo lực gia đình tại các xã, thị trấn. Hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm về lĩnh vực gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình từng bước được chú trọng. Công tác biểu dương, khen thưởng đối với người tham gia hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình được quan tâm thông qua việc khen thưởng đột xuất hoặc vào dịp tổ chức bình xét các danh hiệu văn hóa, biểu dương, khen thưởng trong Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc (18/11) hằng năm hay vào dịp tổng kết phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”... Bên cạnh việc tuyên dương, khen thưởng kịp thời những tổ chức, các nhân có nhiều thành tích trong công tác gia đình và phòng chống bạo lực gia đình, hàng năm Ban Chỉ đạo công tác gia đình huyện cũng đã chỉ đạo các ngành, địa phương tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, hưởng ứng Ngày Quốc tế hạnh phúc (20-3); các hoạt động kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam (28-6) … Ngoài ra, Ban Chỉ đạo công tác gia đình cũng quan tâm chỉ đạo các địa phương tổ chức rà soát, thống kê mô hình phòng chống bạo lực gia đình gắn với xây dựng các mô hình câu lạc bộ “Gia đình phát triển bền vững”, “Gia đình hạnh phúc”, “Gia đình 5 không, 3 sạch”...
Với mục tiêu xây dựng bình đẳng giới, phòng chống bạo lực trong gia đình, thời gian qua, Ban Chỉ đạo công tác gia đình huyện Thới Bình đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách ưu tiên đối với nữ giới nhằm thực hiện quyền bình đẳng của phụ nữ; tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về các chính sách, pháp luật liên quan tới bình đẳng và phát triển của phụ nữ; xây dựng và triển khai chương trình hành động vì sự tiến bộ của phụ nữ với 6 mục tiêu về thực hiện quyền bình đẳng của phụ nữ trên các lĩnh vực… Cùng với đó, Thới Bình cũng đã thực hiện tốt các phong trào thi đua, động viên cán bộ, hội viên, phụ nữ khắc phục khó khăn, chủ động vươn lên khẳng định mình; đẩy mạnh đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho lao động nữ. Trong nhiều năm qua, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Thới Bình đã bám sát tiêu chuẩn gia đình văn hoá để tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện, tạo nên sự chuyển biến về nhận thức sâu sắc trong cấp ủy, chính quyền các cấp và các tầng lớp nhân dân về vai trò, vị trí của xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc. Các tổ chức, ban, ngành, đoàn thể cũng đã thường xuyên lồng ghép phong trào xây dựng gia đình văn hóa với các nội dung thi đua: sản xuất, kinh doanh giỏi, “Ông bà, cha mẹ mẫu mực con cháu thảo hiền”, “Gia đình, dòng họ hiếu học”… Các gia đình thường xuyên nhắc nhở các thành viên chăm lo xây dựng gia đình hoà thuận; đoàn kết tương trợ trong cộng đồng; thực hiện tốt nghĩa vụ công dân; gương mẫu chấp hành quy ước, hương ước của địa phương.
Nhìn chung, công tác gia đình và phòng chống bạo lực gia đình trên địa huyện Thới Bình trong những năm qua luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm, nhân dân ý thức hơn trong việc giữ gìn giá trị tốt đẹp của gia đình, và nhờ việc triển khai đồng bộ, thực hiện có hiệu quả nhiều giải pháp trong công tác gia đình nên tình hình bạo lực gia đình ít xảy ra, không có xảy ra vụ bạo lực gia đình mang tính chất nghiêm trọng, việc ghi chép sổ thông tin về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình từng bước được cán bộ quan tâm theo dõi, cập nhật theo định kỳ.
Với chủ đề “Xây dựng nhân cách con người Việt Nam từ giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình”, công tác gia đình trên địa bàn huyện Thới Bình năm 2020 tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm như: Tiếp tục triển khai thực hiện các Chỉ thị, Quyết định, Chiến lược, Chương trình, Đề án về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức nghiệp vụ về công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình cho đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình các cấp; tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú nhân ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3), Ngày Gia đình Việt Nam (28/6), Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình, Ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ (25/11) và hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới và tổ chức lồng ghép vào các sự kiện, hoạt động liên quan khác. Tiến hành thu thập dữ liệu và báo cáo thông tin về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình theo Thông tư số 07/2017/TT-BVHTTDL ngày 29 tháng 12 năm 2017 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về công tác gia đình, trọng tâm là tình hình thực thi nhiệm vụ phòng, chống bạo lực gia đình tại các cơ quan, tổ chức, và trên địa bàn các xã, thị trấn. Việc triển khai thực hiện các nội dung kế hoạch này sẽ góp phần thực hiện có hiệu quả công tác gia đình, trong đó có giáo dục đạo đức, lối sống và văn hóa ứng xử tốt đẹp giữa các thành viên trong gia đình, tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động trong các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình. Thông qua đó, nhận thức chung về phòng, chống bạo lực gia đình từng bước được nâng lên. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng, cá nhân, góp phần định hướng hành vi của mỗi người. Đồng thời, giữ gìn, phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, loại bỏ những phong tục, tập quán lạc hậu, tiếp thu có chọn lọc những giá trị tiên tiến phù hợp với thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Bạo lực gia đình vẫn luôn là một trong những nguy cơ gây tan vỡ gia đình rất cao, ảnh hưởng đến đời sống kinh tế, xã hội, tác động xấu đến môi trường giáo dục thế hệ trẻ. Trong khi đó, thực tế cho thấy nguồn lực đầu tư triển khai thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu. Quá trình triển khai Luật Phòng, chống bạo lực gia đình cũng cho thấy, sự phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể còn những hạn chế nhất định. Năng lực của cán bộ làm công tác tư vấn, hòa giải tại cộng đồng còn nhiều hạn chế. Cán bộ làm công tác gia đình chủ yếu là kiêm nhiệm nên việc triển khai các hoạt động liên quan gặp rất nhiều khó khăn… Để công tác phòng, chống bạo lực gia đình đạt kết quả cao hơn, bên cạnh tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp thì cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành và người dân. Thực hiện việc lồng ghép công tác gia đình và phòng chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới trong chương trình kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của các cấp, các ngành. Thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, ổn định đời sống gia đình, từ đó góp phần hạn chế bạo lực gia đình do nguyên nhân từ kinh tế khó khăn dẫn đến. Kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp có hành vi bạo lực gia đình đã được giáo dục nhưng không khắc phục sửa chữa. Nhân rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động của các mô hình phòng, chống bạo lực gia đình; nâng cao vai trò, trách nhiệm của các tổ hòa giải tại cơ sở. Gắn kết công tác gia đình với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và các phong trào thi đua khác. Đồng thời, tăng cường nguồn lực cho công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình. Chú trọng bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình ở cơ sở.
Gia đình là tế bào của xã hội vì vậy gia đình có vai trò rất quan trọng trong việc củng cố và phát triển mối quan hệ gia đình. Chính vì vậy, trong công tác phối hợp thời gian tới cần huy động được sức mạnh tổng hợp, cũng như việc xây dựng kế hoạch phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể có liên quan. Công tác truyên truyền, giáo dục cần được thực hiện thường xuyên, liên tục hơn, có kế hoạch kiểm tra, giám sát, sơ kết rút kinh nghiệm. Các thành viên trong Ban Chỉ đạo công tác gia đình các cấp cần có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn góp phần cùng thực hiện quản lý nhà nước tốt hơn về công tác gia đình. Vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong việc xây dựng gia đình hạnh phúc và các tiêu chí gia đình văn hoá trong cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, xây dựng nông thôn mới. Gắn với mục tiêu xây dựng gia đình “no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh”./.
Lâm Hoài Thương