Lễ công bố di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, nghệ thuật nhạc trống lớn của người Khmer huyện Thới Bình
Cùng với niềm phấn khởi, hân hoan tổ chức các hoạt động lập thành tích chào mừng kỷ niệm 66 năm ngày thành lập huyện (20-6-1956 – 20-6- 2022),
Tối, ngày 19 tháng 6 năm 2022, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau phối hợp với UBND huyện Thới Bình tổ chức Lễ công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Nghệ thuật trình diễn dân gian “NGHỆ THUẬT NHẠC TRỐNG LỚN CỦA NGƯỜI KHMER”. Tham dự buổi Lễ có ông Tiêu Minh Tiên, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Đồng chí Huỳnh Quốc Hoàng, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Thới Bình, cùng các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên Ban Chấp hành Huyện ủy nhiệm kỳ 2020 - 2025 và các nghệ nhân, người có uy tín trong đồng bào Khmer và đông đảo bà con trên địa bàn đến tham dự. Đây là niềm vinh dự, tự hào của huyện Thới Bình nói riêng, tỉnh Cà Mau nói chung trong việc sáng tạo, giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Có thể nói, Trong đời sống văn hóa - xã hội của người Khmer Cà Mau nói riêng và người Khmer ở Nam Bộ nói chung, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, người Khmer không ngừng sáng tạo và giữ gìn một kho tàng văn hóa nghệ thuật vô cùng phong phú, đa dạng, đa sắc màu riêng biệt và cũng có nét tương đồng với các dân tộc khác trên các lĩnh vực văn hóa đời sống. Đặc biệt là văn hóa nghệ thuật, âm nhạc truyền thống với nhiều thể loại, hình thức biểu hiện khác nhau. Trong đó, người Khmer có dàn nhạc dân gian, dàn nhạc lễ và các dàn nhạc này được chia ra thành nhiều nhóm khác như: nhóm thổi, nhóm dây gõ, nhóm dây kéo, nhóm dây gảy, nhóm nhạc trống lớn, trống nhỏ và các bộ nhạc khí tự thân vang…đã được thể hiện rất rõ về bản sắc nghệ thuật âm nhạc truyền thống của người Khmer.
Nghệ thuật âm nhạc có vai trò rất quan trọng trong đời sống văn hóa của đồng bào người Khmer Nam Bộ nói chung và người Khmer Cà Mau nói riêng, trong tất cả các lễ hội, tết, lễ nghi, lễ cưới…là không thể thiếu âm nhạc, lời ca, điệu múa theo nhịp điệu của âm thanh. Người Khmer cho rằng âm nhạc là linh hồn của họ, hầu hết người Khmer điều rất nhạy cảm với âm nhạc, khi nghe được nhịp điệu của tiết tấu âm nhạc là họ thường thể hiện ngay bằng lời ca, tiếng hát, điệu múa…âm nhạc luôn thu hút tâm hồn người thưởng thức. Nghệ thuật âm nhạc luôn lay động đến tình cảm bên trong của mỗi con người Khmer.
Trống lớn (Skor Thom) hay còn gọi là Skor Chi, là loại trống lớn nhất của đồng bào người Khmer thường cất giữ ở các ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer, người Khmer xem Trống lớn là vật linh thiêng, báu vật… Trống lớn người Khmer sử dụng rất nhiều trong lao động sản xuất, âm nhạc, phong tục, tập quán, nghi lễ, lễ hội…Trống lớn cũng là phương tiện thông tin trong thời gian nhập hạ của các vị sư. Khi nhà sư nhập hạ ba tháng thường đánh trống báo tin đến đồng bào Phật tử
Nghệ thuật nhạc trống lớn là thể loại nghệ thuật âm nhạc khá đặc biệt được sử dụng trong nhiều lễ hội, với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Nghệ thuật nhạc trống lớn tuỳ theo từng bối cảnh nghi thức, nghi lễ mà các nghệ nhân cùng chơi những bài bản có giai điệu buồn bã, tang tóc, tiết tấu chậm rãi, dìu dặt trong lễ tang; giai điệu trầm hùng, vang vọng chiến thắng trong lễ hạ thủy đua ghe ngo; giai điệu nhẹ nhàng, hạnh phúc trong lễ cưới; giai điệu thanh thoát, hướng thiện trong các lễ nghi tôn giáo… Đặc biệt hơn cả là trong lễ tang, dàn nhạc trống lớn đóng vai trò rất quan trọng trong lúc diễn tấu, mỗi nhịp trống phát ra có âm thanh trầm và vang xa là để thể hiện sự rung động cảm xúc xót thương đến người đã khuất.
Để có được niềm vinh dự và tự hào như ngày hôm nay, thế hệ chúng ta luôn ghi nhớ và biết ơn thành quả sáng tạo, giữ gìn và trao truyền của cha ông đã để lại cho chúng ta kho tàng văn hóa đa dạng và phong phú; ghi nhận và biết ơn sự giữ gìn, phát huy giá trị Nghệ thuật trình diễn nhạc trống lớn của các nghệ nhân, các thế hệ đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó là sự phối hợp của các cấp, các ngành, đặc biệt là việc nghiên cứu, lập hồ sơ của Bảo tàng tỉnh Cà Mau, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau để được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Cùng với niềm vinh dự đó là trách nhiệm phải bảo tồn, phát huy di sản tốt hơn. Trách nhiệm không chỉ của Nhà nước, của các cơ quan, tổ chức mà đặc biệt quan trọng là của cả cộng đồng, nhất là các nghệ nhân và cộng đồng dân tộc Khmer trên địa bàn huyện
Với trách nhiệm và lòng tự hào ấy, tất cả chúng ta cùng cam kết giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị di sản “NGHỆ THUẬT NHẠC TRỐNG LỚN CỦA NGƯỜI KHMER” huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau luôn phát triển và được thực hiện, được trao truyền đúng với ý nghĩa, bản sắc rất tốt đẹp của văn hóa dân tộc.
Dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau tặng Bằng khen cho 02 tập thể và 04 cá nhân có thành tích trong việc bảo tồn và phát huy truyền thống nghệ thuật nhạc trống lớn của người Khmer trong thời gian qua.
Nguyễn Văn Đô