Thới Bình triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”
Thực hiện Kế hoạch số 28/KH-UBND ngày 13/02/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2023 trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” huyện đã ban hành Kế hoạch số 51/KH-BCĐCVĐ, về thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2023, chỉ đạo các phòng, ban, ngành đoàn thể và UBND các xã, thị trấn tổ chức thực hiện.
Tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin truyền thông huyện, các xã, thị trấn và các phòng, ban, ngành đoàn thể tổ chức triển khai thực hiện Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2023 đến cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp, nhân dân nhằm nêu cao vai trò, trách nhiệm gương mẫu của cán bộ, đoàn viên, hội viên, ưu tiên sử dụng hàng hóa thương hiệu Việt trong mua sắm cũng như tiêu dùng và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia hưởng ứng Cuộc vận động, ưu tiên mua sắm, sử dụng hàng hóa thương hiệu Việt. Ban Chỉ đạo huyện xây dựng 03 cụm pano tuyên truyền tại huyện và các ấp có mô hình (ấp Tắc Thủ xã Hồ Thị Kỷ; ấp 18 xã Biển Bạch và Khóm 8 thị trấn Thới Bình). Toàn huyện xây dựng 7 mô hình với gần 400 hộ mang tên “Khu dân cư tự hào dùng hàng Việt” trong đó huyện chọn ấp Tắc Thủ xã Hồ Thị Kỷ; ấp 18 xã Biển Bạch và Khóm 8 thị trấn Thới Bình làm mô hình điểm của huyện với 125 hộ gia đình tham gia thực hiện. Bước đầu đã trang bị các kiến thức về Chỉ thị số 03-CT/TW, ngày 19/5/2021 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới.
Tuyên truyền đến các cơ quan, đơn vị và tổ chức chính trị - xã hội nhận thức đúng đắng yêu cầu của Cuộc vận động và thực hiện mua sắm hàng Việt Nam các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn huyện khi mua sắm vật tư, thiết bị để thực hiện các dự án, công trình thì ưu tiên sử dụng các thiết bị, nguyên vật liệu và dịch vụ trong nước đảm bảo chất lượng. Giới thiệu, quảng bá sản phẩm đặc sản, đặc trưng của huyện tham gia các cuộc hội nghị, hội chợ, triển lãm,… nhằm kết nối tiêu thụ sản phẩm cho các cơ sở sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn huyện.
Đẩy mạnh các hoạt động gắn kết xúc tiến, quảng bá du lịch với phát triển nông nghiệp và xúc tiến, tiêu thụ các sản phẩm đặc sản, đặc trưng của huyện; hỗ trợ quảng bá, giới thiệu các sản phẩm đặc sản đặc trưng, sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng. Trên địa bàn huyện Thới Bình có 02 nhãn hiệu tập thể được Cục Sở hữu trí cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể sau: Giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể Mắm cá lóc Thới Bình, tại Quyết định số 54044/QĐ-SHTT ngày 03/9/2015 của Cục sở hữu trí tuệ; nhãn hiệu chứng nhận “Lúa sạch Thới Bình”, tại Quyết định số 85773/QĐ-SHTT ngày 01/10/2019 của Cục sở hữu trí tuệ về việc Cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 331767 cho nhãn hiệu chứng nhận Lúa sạch Thới Bình. Các sản phẩm đặc trưng, đặc sản của huyện đều được tham gia trưng bày tại các cuộc Hội chợ triển lãm trong và ngoài tỉnh.
Đến nay, huyện Thới Bình có 5 sản phẩm được tỉnh đánh giá xếp loại sản phẩm OCOP cấp tỉnh 3 sao như: Gạo Sinh Thái nhãn hiệu Từ Tâm của Hợp tác xã dịch vụ sản xuất lúa - tôm Đoàn Phát xã Trí lực và Mắm lóc Thới Bình của cơ sở Yến Khoa thị trấn Thới Bình, HTX dịch vụ sản xuất Lúa Tôm Trí Lực sản phẩm gạo Hoàng Yến, Chả cá phi của hộ kinh doanh Thùy Linh xã Biển Bạch Đông và Rượu Nếp Cẩm của Công ty TNHH MTV Hoài Vẹn xã Biển Bạch và 03 sản phẩm được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh.
Tuyên truyền vận động các chủ thể có sản phẩm đạt OCOP vào các kênh phân phối sản phẩm tạo sự kết nối cung cầu sản phẩm của huyện; đẩy mạnh các hoạt động giới thiệu, quảng cáo các điểm du lịch gắn với quảng bá sản phẩm đặc sản, đặc trưng OCOP của huyện.
Nghiên cứu các chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận nguồn vốn để đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư, phát triển hạ tầng thương mại, mở rộng mạng lưới bán hàng, nhất là ở địa bàn nông thôn. Xây dựng, phát triển các sản phẩm, cung ứng hàng hóa, cải tiến mẫu mã, bao bì của các sản phẩm đặc sản, đặc trưng, thế mạnh của huyện để hướng đến phục vụ người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP. Qua đó, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên cơ sở áp dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng, nhằm tăng sức cạnh tranh của các doanh nghiệp.
Doanh nghiệp trên địa bàn huyện đã không ngừng mở rộng các kênh phân phối sản phẩm nhằm tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng, ngày càng phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong việc nâng cao chất lượng sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, xây dựng thương hiệu, cam kết quan tâm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời giúp người tiêu dùng hiểu rõ hơn về quyền lợi của mình.
Ban chỉ đạo 389 huyện chỉ đạo phòng Kinh tế và Hạ tầng phối hợp Đội quản lý thị trường số 5, các đơn vị liên quan, UBND các xã, thị trấn tổ chức 02 đợt kiểm tra và tuyên truyền đến 162 cơ sở sản xuất, kinh doanh ký cam kết không kinh doanh hàng hóa cấm, hàng hóa nhập lậu, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; 65 cơ sở kinh doanh ký cam kết không buôn bán thuốc lá nhập lậu; 45 quầy thuốc ký cam kết nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về giá, phải niêm yết giá, bán đúng giá niêm yết, không mua bán hàng giả, không găm hàng; 52 cửa hàng bán lẻ xăng dầu ký cam kết thực hiện đúng thời gian bán hàng.
Qua cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” làm thay đổi được bộ mặt nông thôn, người tiêu dùng ở vùng sâu, vùng xa hiểu biết nhiều hơn có lòng tin các mặt hàng hóa Việt phát huy lòng yêu nước, ý thức tự lực, tự cường, lòng tự tôn dân tộc trong sản xuất, phân phối và tiêu dùng hàng Việt Nam. Xây dựng văn hóa tiêu dùng, sản xuất ra nhiều hàng Việt Nam có chất lượng, sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, góp phần nâng cao năng lực sản xuất, cạnh tranh của nền kinh tế nước ta trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế./.