Huyện Thới Bình triển khai thực hiện kiểm soát xung đột lợi ích nhằm phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực
Ngày 16/5/2024, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Thới Bình ban hành kế hoạch số 88/KH-UBND về thực hiện kiểm soát xung đột lợi ích nhằm phòng ngừa tham nhũng trên địa bàn huyện.
Với mục đích lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả việc kiểm soát xung đột lợi ích; phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp xung đột lợi ích, góp phần loại bỏ điều kiện, hoàn cảnh có thể xảy ra hành vi tham nhũng. Nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm chính quyền các cấp trên địa bàn huyện và cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân trong công tác kiểm soát xung đột lợi ích. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức, có năng lực, chuyên môn đáp ứng nhiệm vụ được giao; đồng thời, nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan chức năng về phòng, chống tham nhũng.
Việc triển khai thực hiện kế hoạch phải được tiến hành nghiêm túc, tránh hình thức, qua loa, né tránh, ngại va chạm. Người được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ nếu biết hoặc buộc phải biết nhiệm vụ, công vụ được giao có xung đột lợi ích thì phải báo cáo người có thẩm quyền để xem xét, xử lý. Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khi phát hiện có xung đột lợi ích của người có chức vụ, quyền hạn thì phải thông tin, báo cáo cho người trực tiếp quản lý, sử dụng người đó để xem xét, xử lý.
Nội dung kế hoạch giao cho Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện rà soát các dấu hiệu có xung đột lợi ích theo quy định tại Điều 29 của Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng. Người có chức vụ, quyền hạn khi được phân công công việc hoặc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công vụ nếu biết hoặc buộc phải biết nhiệm vụ, công vụ được giao có xung đột lợi ích thì phải báo cáo bằng văn bản với người trực tiếp quản lý, sử dụng để xem xét, xử lý theo quy định.
Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng người có chức vụ, quyền hạn có thẩm quyền tiếp nhận, xử lý thông tin, báo cáo về xung đột lợi ích. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông tin, báo cáo thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị quyết định hoặc đề nghị người có thẩm quyền quản lý người đó áp dụng một trong các biện pháp kiểm soát xung đột lợi ích theo quy định tại các Điều 32, 33 và 34 của Nghị định 59/2019/NĐ-CP hoặc xử lý theo quy định của pháp luật.
Trường hợp có xung đột lợi ích thì thực hiện theo Điều 33 và 34 của Nghị định 59/2019/NĐ-CP hoặc xử lý theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp pháp luật khác có quy định về kiểm soát xung đột lợi ích thì ngoài việc áp dụng các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng và Nghị định này thì còn áp dụng quy định của pháp luật đó.