Huyện Thới Bình được thành lập vào ngày (20/6/1956-20/6/2021), trải qua 65 năm xây dựng và phát triển, Từ một huyện thuần nông, với tiềm năng, khát vọng và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thới Bình đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo bứt phá trên con đường phát triển kinh tế - xã hội, hướng tới xây dựng Thới Bình thành vùng kinh tế động lực năng động và huyện được chọn chỉ đạo điểm đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Cà Mau.
Nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ huyện Thới Bình tập trung vào các nhiệm vụ quan trọng: phát triển sản xuất tôm, lúa sạch, hữu cơ gắn với phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng, thích ứng với biến đổi khí hậu; khai thác tiềm năng, lợi thế tuyến đường Hành lang ven biển phía Nam Việt Nam, trục đường thuỷ phía Nam (tuyến kênh Chắc Băng, sông Trèm Trẹm) để phát triển dịch vụ vận tải, du lịch; xây dựng và phát triển các khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp khu vực thị trấn Thới Bình, xã Thới Bình, xã Hồ Thị Kỷ và xã Trí Phải; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ huyện đã bám sát các nghị quyết chuyên đề, các quy hoạch, đề án, kế hoạch phát triển kinh tế để triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Chủ trương tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng được đẩy mạnh thực hiện. Theo đó, tổng giá trị sản xuất trong nhiệm kỳ tăng gấp 2,48 lần so với nhiệm kỳ 2010-2015; tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt 9,03%, vượt kế hoạch 0,29%, cao hơn bình quân chung của tỉnh 2,03%. Đáng phấn khởi chính là thu nhập bình quân đầu người ước đến cuối năm 2020 đạt 50 triệu đồng, đạt 102,04% chỉ tiêu.
Cùng với đó, tăng cường công tác quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quản lý chặt chẽ đất công, tài nguyên đất, nước ngầm. Tăng cường công tác quản lý thu ngân sách nhà nước; quản lý chi ngân sách nhà nước chặt chẽ, tiết kiệm, đúng quy định. Huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Tập trung khai thác hiệu quả, tiềm năng, lợi thế, nhất là tiềm năng, lợi thế về hệ sinh thái đa dạng để phát triển kinh tế nông nghiệp. Huy động các nguồn lực đáp ứng yêu cầu đầu tư thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Tập trung quyết liệt thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Huyện Thới Bình đề ra chỉ tiêu trong nhiệm kỳ xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới, có 05 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Hiện huyện có 8/11 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Xây dựng nông thôn mới phải đảm bảo thực chất, toàn diện, không chạy theo thành tích; đảm bảo đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
Tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với chính quyền, mặt trận tổ quốc và các đoàn thể. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, phát huy hơn nữa vai trò của mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội trong việc tập hợp, vận động các tầng lớp nhân dân. Thực hiện có hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, phát huy dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân. Bên cạnh đó công tác y tế, phòng ngừa, ứng phó kịp thời, hiệu quả các dịch bệnh; trước mắt, phải chủ động bám sát diễn biến dịch bệnh Covid-19 và chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh; lãnh đạo, chỉ đạo toàn hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, vừa phòng, chống dịch hiệu quả. Không chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch, đồng thời nhanh chóng khôi phục, phát triển kinh tế.
Với truyền thống anh hùng trong chiến đấu, sáng tạo trong lao động, con người luôn thân thiện, cùng với đó là cơ chế cởi mở của chính quyền địa phương đã tạo nên thành quả phát triển, đổi mới trong 65 năm qua. Thành quả trên là cơ sở, tiền đề để huyện Thới Bình tiếp tục vươn lên, khẳng định mình trên con đường phát triển và hội nhập./.
Thành Hiệp