Những thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội những năm gần đây
Những năm qua, được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Huyện ủy, Hội đồng nhân dân huyện, sự chỉ đạo điều hành kịp thời của UBND huyện, cùng sự nỗ lực của các ngành, các cấp và toàn thể quân, dân huyện nhà nên tình hình kinh tế - xã hội phát triển ổn định, các lĩnh vực tiếp tục tăng trưởng và phát triển. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội được quan tâm chỉ đạo thực hiện, đặc biệt là công tác đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo cho các gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo, cận nghèo; công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm được thực hiện có hiệu quả; công tác vận động các loại quỹ đều đạt kế hoạch đề ra; các hoạt động văn hóa, văn nghệ được quan tâm tổ chức thực hiện đáp ứng nhu cầu thụ hưởng về văn hóa tinh thần của nhân dân. Nhờ sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, diện mạo quê hương Thới bình đã có những thay đổi đáng kể. Cơ sở hạ tầng nông thôn, điện, đường, trường, trạm được đầu tư, cơ bản đáp ứng yêu cầu lưu thông hàng hóa, nâng cao dân trí và đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân.
Đặc biệt trong năm 2018, tổng giá trị sản xuất 8.543 tỷ đồng; tổng diện tích canh tác lúa 22.253 ha; tổng diện tích nuôi trồng thủy sản 50.157 ha, mô hình nuôi tôm càng xanh ngày càng được nhân rộng và thực hiện có hiệu quả, diện tích nuôi tôm càng xanh toàn huyện 16.505 ha, tổng sản lượng thủy sản thu hoạch 39.430 tấn; chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới được các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo quyết liệt và có sự chuyển biến tích cực đáng ghi nhận, đến nay toàn huyện có 05/11 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 45,45%; đang tập trung xây dựng thị trấn Thới Bình đạt văn minh đô thị; xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng 28 công trình lộ giao thông nông thôn, với tổng chiều dài 51,8km, trị giá 43,25 tỷ đồng. Hoàn thành và đưa vào sử dụng 09 cây cầu với tổng chiều dài 196,92m, trị giá 1,88 tỷ đồng; Duy tu, nâng cấp, sửa chữa 29 công trình lộ giao thông nông thôn với chiều dài 15,12km, trị giá 14,01 tỷ đồng và 22 cây cầu nhịp thép, trị giá khoảng 1,64 tỷ đồng; về điện, đến nay toàn huyện có 33.209 hộ sử dụng điện an toàn, số hộ sử dụng điện chia hơi an toàn là 1.128 hộ; về cơ sở vật chất trường học, toàn huyện hiện có 61 trường học (bao gồm 03 trường THPT) được xây dựng kiên cố, trong đó có 30 trường đạt chuẩn quốc gia chiếm tỷ lệ 45,9%. Có 11/11 xã đạt chuẩn phổ cập giáo giục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập trung học cơ sở - chống mù chữ. Huyện cũng đã được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 05 tuổi.
Cùng với đó, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người dân nông thôn, chuyển dịch cơ cấu lao động cũng được các cấp, các ngành quan tâm tổ chức thực hiện với 16 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, thu hút 528 lượt người tham dự. Đồng thời, huyện cũng đã triển khai mô hình áp dụng giống lúa mới vào sản xuất lúa tôm với quy mô 605 ha. Bên cạnh đó, huyện cũng đang xúc tiến hoàn thành các thủ tục hồ sơ đăng ký chứng nhận nhãn hiệu “Lúa sạch Thới Bình”. Kết quả thực hiện tái cơ cấu, phát triển liên kết hợp tác sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chủ lực của huyện đã có những sự thay đổi rõ rệt. Cụ thể, tình hình năng suất, sản lượng cây trồng vật nuôi có bước thay đổi đáng kể so với xuất phát điểm. Trong đó phải kể đến sự thay đổi nhận thức của người dân từ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ sang hợp tác sản xuất và gắn kết với thị trường. Từng bước sản xuất theo phương châm “Hợp tác, liên kết, thị trường”. Đặc biệt vụ lúa tôm trong năm 2018 đã có gần 500 hộ dân với diện tích gần 1.000ha ký kết hợp tác liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm với 04 công ty và đã có 02 công ty tham gia sản xuất thử nghiệm giống lúa hữu cơ với diện tích 61 ha, gồm giống lúa ST24 và OM2157 tại 02 xã Trí Lực và Tân Lộc Bắc. Về hình thức tổ chức sản xuất, huyện hiện có 12 hợp tác xã nông nghiệp đang hoạt động theo đúng Luật Hợp tác xã và làm ăn hiệu quả, giúp nâng cao thu nhập, từ đó hoàn thành tiêu chí số 13 về xây dựng nông thôn mới. Hiện có 10 xã đạt tiêu chí này, đạt tỷ lệ 90,91%.
Với mục tiêu tạo sự đột phá trong công tác giảm nghèo, các chương trình, dự án, các giải pháp, chính sách an sinh xã hội đã được đổi mới cách tiếp cận, huy động được nhiều nguồn lực. Bên cạnh sự chỉ đạo sát sao của các cấp lãnh đạo, huyện Thới Bình cũng đã có nhiều cách làm mới, sáng tạo, tập trung giảm nghèo có trọng tâm, trọng điểm. Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong thực hiện chương trình giảm nghèo đã đạt được những kết quả khả quan, cụ thể: Đầu năm 2018 tổng số hộ nghèo toàn huyện là 1.346 hộ, chiếm tỷ lệ 4,02%; hộ cận nghèo 1.256 hộ, chiếm tỷ lệ 3,75%. Qua điều tra rà soát trong năm 2018 hộ nghèo giảm 426 hộ, đạt tỷ lệ 128% kế hoạch; hộ cận nghèo giảm 294 hộ, đạt 176% kế hoạch. Hiện nay, số hộ nghèo toàn huyện còn 920 hộ; hộ cận nghèo còn 962 hộ. Đặc biệt không còn hộ nghèo, cận nghèo thuộc gia đình chính sách. Đối với tiêu chí này, hiện tại huyện có 10/11 xã đã đạt chiếm tỷ lệ 90,91%.
Bên cạnh việc đầu tư, xây dựng phát triển hệ thống điện, đường, trường, trạm và thực hiên các chính sách trong công tác giảm nghèo, an sinh xã hội thì việc phát triển mạng lưới y tế cơ sở, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân cũng được Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới huyện chú trọng. Cụ thể, đế nay toàn huyện có 11/11 xã có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 100%. Hệ thống khám chữa bệnh được đầu tư nâng cấp về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đáp ứng nhu cầu cơ bản trong cấp cứu và điều trị. Hoạt động của Trạm Y tế xã được đẩy mạnh. Tỷ lệ độ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 90,04%, có 10/11 xã đã đạt tiêu chí này, chiếm tỷ lệ 90,91%.
Sau gần 8 năm triển khai và thực hiện, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới huyện Thới Bình đã đạt được những kết quả đáng phấn khởi, tạo nên diện mạo mới, sức sống mới và sự khác biệt trên địa bàn huyện. Những con đường bê tông, những ngôi nhà mới khang trang, hệ thống điện, đường, trường trạm đã “phủ sóng” ở hầu hết các xóm, làng; đời sống người dân từng bước được nâng lên và cải thiện. Những thành quả xây dựng nông thôn mới mà huyện Thới Bình đạt được là động lực, bước đệm quan trọng để Thới Bình vươn lên đạt những thành quả cao hơn trong chặng đường phía trước. Có được kết quả khả quan như vậy, trước hết đó là nhờ công tác tuyên truyền, vận động sâu rộng, bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú để nhân dân hiểu xây dựng nông thôn mới là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, là chương trình của dân, do dân và vì dân, nhân dân là chủ thể và là đối tượng trực tiếp được thụ hưởng. Bên cạnh đó, còn là sự nỗ lực vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nêu cao vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền và các ban ngành, đoàn thể; phát huy tính tiên phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong phong trào xây dựng nông thôn mới, từ đó thu hút sự đồng tình, ủng hộ của mọi tầng lớp nhân dân với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.
Xây dựng nông thôn mới là sự nghiệp lâu dài của toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị. Sự chung tay, góp sức của mỗi người dân trong việc xây dựng nông thôn mới góp phần làm cho Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới ngày càng thiết thực hơn đi sâu vào trong đời sống của mỗi người. Đó vừa là sự nghiệp vừa là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân tỉnh Cà Mau nói chung và huyện Thới Bình nói riêng. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng huyện Thới Bình đang nỗ lực, quyết tâm thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Mục tiêu đến năm 2020, 100% số xã của huyện đạt chuẩn nông thôn mới, xây dựng 1-2 xã đạt xã nông thôn kiểu mẫu đưa Thới Bình là huyện đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của tỉnh. Huyện cũng tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đối với xã đã đạt chuẩn, chú trọng phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, xây dựng vùng sản xuất hàng hóa nhằm nâng cao giá trị thu nhập cho người dân và quan trọng hơn đó là nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và tạo nên diện mạo mới trên quê hương Thới Bình./.
Minh Đương