|
Huyện Thới Bình trình diễn máy sạ lúa trên đất nuôi tôm
Thứ Hai, 02/10/2023 08:33 GMT+7
Thực hiện chương trình giảm lượng hạt giống lúa gieo sạ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Chiều ngày 25/9/2023 Công ty THHH TM DV Sài Gòn Kim Hồng phối hợp với huyện Thới Bình trình diễn trực tiếp máy sạ cụm trên đất lúa tôm tại hộ gia đình ông Phạm Văn Hoại, ấp Tapasa II, xã Tân Phú, với diện tích gần 1 ha. Đến dự và xem trình diễn có đại diện Sở NN&PTNT; đại diện Sở KH&CN; đại diện Chi cục Thủy Sản. Về phía huyện có ông Huỳnh Quốc Hoàng, TUV, Bí thư Huyện ủy Thới Bình; ông Nguyễn Hoàng Bạo, UVBTV, Phó Chủ tịch UBND huyện.
Tại buổi trình diễn, thực tế cho thấy máy sạ lúa theo cụm có hoạt động sạ tương tự như máy cấy, tạo ra ruộng lúa sạ theo hàng, theo cụm như ruộng lúa cấy. Máy sạ cụm được trình diễn là loại máy 4 bánh tự vận hành, có công suất từ 6 đến 7 ha/ngày. Máy có 10 hộp đựng hạt giống, tương đương với 10 hàng sạ, khoảng cách sạ 25x14cm. Số lượng hạt giống được sạ ở mỗi cụm từ 2 đến 20 hạt, tùy theo người sử dụng. Khi sử dụng máy sạ cụm, hạt giống được gieo trực tiếp lên bề mặt đất, giúp cung cấp tốt oxy cho rễ phát triển mạnh, làm cây lúa không bị đỗ ngã. Đồng thời, việc sạ cụm khoảng cách hàng và bụi trên hàng đồng đều và thông thoáng, cây sẽ tăng khả năng hấp thụ ánh sáng quang hợp tốt, giúp cây lúa hấp thụ chất dinh dưỡng, qua đó tăng khả năng đề kháng với sâu bệnh, tăng năng suất và chất lượng gạo, cũng như tạo điều kiện cho con tôm có không gian hoạt động trên mặt đầm trồng lúa.
Tuy nhiên, trong quá trình thảo luận, máy sạ cụm của Công ty THHH TM DV Sài Gòn Kim Hồng được đánh giá là một sản phẩm tiện ích, giúp người dân ứng dụng cơ giới hóa vào diện tích gieo giống, giảm công lao động, nhẹ công chăm sóc lúa trong quá trình sản xuất. Tuy nhiên, sau khi xem trình diễn và nghiên cứu, khi vận hành máy sẽ gặp nhiều khó khăn, trong đó đặc biệt nhất là điều kiện thổ nhưỡng của vùng đất Thới Bình chưa được phù hợp với cơ chế hoạt động của máy như: từ hộp chứa lúa sạ đến mặt đất khá cao, trong quá trình sạ gió mạnh sẽ làm hạt lúa bị bay và không theo cụm; do địa hình vùng lúa tôm khi duy chuyển phải qua mương, rạch nên khi lắp ráp máy nên thay các bu lông thành chốt gài để máy được vận hành nhanh; 4 bánh xe của máy phải thiết kế uyển chuyển, khi vận hành trên khô và dưới đất lung điều hoạt động được…
Ghi nhận những đóng góp thực tế trên, đại diện Công ty THHH TM DV Sài Gòn Kim Hồng xin tiếp thu ý kiến và sẽ cải tiến cơ chế hoạt động của máy phù hợp với vùng đất Thới Bình nói riêng và tỉnh Cà Mau nói chung. Đồng thời, đại diện phía công ty cũng tin tưởng rằng trong thời gian tới, máy sạ lúa theo cụm sẽ được nông dân huyện sử dụng rộng rãi, diện tích lúa sạ cụm sẽ nhanh chóng được mở rộng, góp phần đẩy nhanh việc cơ giới hóa đồng bộ, hướng tới nền nông nghiệp bền vững./.
|
| |