Những năm gần đây, tình hình sâu bệnh hại trên cây rau màu diễn biến phức tạp gây không ít khó khăn cho nhà vườn trong công tác phòng trị. Tuy nhiên, việc phòng trị các đối tượng gây hại của bà con phần lớn làm theo cảm tính, theo sự hướng dẫn của các đại lý hoặc quá phụ thuộc vào việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật ảnh hưởng xấu đến sức khỏe cộng đồng, làm ô nhiễm môi trường, diệt cả côn trùng và vi sinh vật có ích, từ đó tạo điều kiện cho dịch bệnh phát triển, bùng phát mạnh hơn, gây tình trạng dư lượng thuốc, giảm chất lượng và khả năng cạnh tranh của nông sản trên thị trường.
Trước thực trạng trên, trong năm 2019, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Cà Mau phối hợp với huyện Thới Bình xây dựng 2 mô hình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên rau ở Ấp Nguyễn Tòng, xã Biển Bạch Đông và Ấp 3, xã Trí Phải.
Mỗi điểm có 30 hộ dân tham gia với diện diện tích từ 30 - 35ha, thời gian thực hiện từ tháng 6 đến tháng 10/2019, trồng thực nghiệm cùng các loại giống như: dưa leo, cải xanh, khổ qua, bằng cách “cầm tay chỉ việc”, sẽ giúp cho nhiều hộ dễ dàng nắm bắt nội dung, từ đó được trang bị nhiều kiến thức hữu ích, tạo điều kiện cho nông dân tự tin, áp dụng vào sản xuất trên phần đất gia đình.
Trong thời gian tham gia mô hình bà con nông dân sẽ tiếp thu chuyên đề sinh thái đồng ruộng, chuyên đề ghi chép nhật ký sản xuất và tính toán hiệu quả sản xuất, chuyên đề bảo vệ thực vật, hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn và hiệu quả. Trong đó, chú trọng việc ứng dụng các chế phẩm sinh học trong quản lý dịch hại, nhấn mạnh công tác bảo vệ môi trường và vấn đề an toàn thực phẩm, từ đó rút ra những kinh nghiệm để áp dụng vào thực tế, hạn chế tối đa việc sử dụng hóa chất thuốc bảo vệ thực vật gây ảnh hưởng sức khỏe con người và môi trường sinh thái.
Kỹ sư Đinh Xuân Hiệp Trưởng trạm Bảo vệ thực vật huyện Thới Bình trực tiếp hướng dẫn lớp học cho biết: "Khi tham gia vào mô hình bà con nông dân sẽ giảm 30-50% lượng thuốc trừ sâu, giảm 10 -20% lượng phân đạm, tăng hiệu quả sản xuất 10-15% so với sản xuất bình thường. Với mục tiêu mang lại lợi ích cho bà con nông dân, nên khi mô hình được triển khai thực hiện đã có nhiều bà con vui mừng phấn khởi".
Bên cạnh, với phương pháp thảo luận nhóm và thực hành gắn liền với thực tế đồng ruộng tại mô hình. Đã giúp bà con nhận thấy được hiệu quả của việc áp dụng các biện pháp Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) và dễ dàng áp dụng ngay trên vườn rau của họ. Ngoài ra, hàng tuần đều có cán bộ kỹ thuật đến trực tiếp tại mô hình để nắm tình hình, đánh giá, nhắc nhở và thảo luận với nông dân công việc sắp tới cần phải làm trong quá trình canh tác, thu thập số liệu, hình ảnh có liên quan…để làm tư liệu vào cuối vụ.
Hầu hết các điểm mô hình Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên rau đang thực hiện được nông dân nhiệt tình hưởng ứng, mong muốn tiếp tục tham gia và nhân rộng hơn nữa. Đây là nơi người dân có cơ hội tham quan, tham gia học tập, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao trình độ hiểu biết để từ đó áp dụng cho sản xuất của gia đình và truyền đạt cho cộng đồng, góp phần vào sự nghiệp sản xuất nông nghiệp xanh, sạch, bền vững và hiệu quả./.
Minh Phong