Ranh giới hành chính: Phía đông giáp huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu; phía tây giáp huyện U Minh; phía nam giáp Thành phố Cà Mau và huyện Trần Văn Thời; phía bắc giáp huyện An Minh, Kiên Giang.
Ảnh: Đương Hành lang ven biển phí nam
Quốc lộ 63 từ Thành phố Cà Mau chạy qua địa phận Thới Bình và giáp với huyện Vĩnh Thuận, Kiên Giang; Riêng, tuyến đường hành lang ven biển phía Nam là tuyến đường nối liền 03 quốc gia thuộc Tiểu vùng sông Mê Kông (Việt Nam, Camphuchia và Thái Lan), với tổng chiều dài gần 1.000 km. Trên địa phận nước ta, tuyến đường này bắt đầu từ cửa khẩu Xà Xía (Hà Tiên - Kiên Giang), đi qua nhiều khu vực quan trọng và kết thúc giai đoạn I có điểm cuối đấu nối với tuyến đường Võ Văn Kiệt (xã Hồ Thị Kỷ), từ đây kết nối với Quốc lộ 1A. Trên địa phận Cà Mau, huyện Thới Bình là địa bàn chủ yếu tuyến đường đi qua, với chiều dài 42,3 km, vẽ thành một đường vòng cung đi từ Bắc đến Nam qua 5 xã và 01 thị trấn, điểm bắt đầu từ cầu Ngã Bác, nơi giáp ranh giữa xã Biển Bạch với tỉnh Kiên Giang, dọc theo dòng sông Trẹm và xuyên giữa trung tâm huyện nối với thành phố Cà Mau. .Đây là lợi thế hết sức quan trọng và to lớn cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của huyện nói riêng và của cả tỉnh Cà Mau nói chung.
Ảnh: Sông Trẹm
Tổng diện tích đất tự nhiên huyện là 636,39km2. Đất nông nghiệp khoảng 58.335ha (trong đó: đất trồng cây hàng năm 6.775ha, cây lâu năm 2.114ha, nuôi trồng thủy sản 49.446ha) số còn lại là đất khác (phi nông nghiệp). Đất đai, địa hình trên địa bàn huyện cơ bản thích nghi với nhiều loại cây trồng, vật nuôi vùng nhiệt đới.
Tài nguyên mặt nước được phân bố chủ yếu trên 2 lưu vực của các sông chính: Sông Trẹm và sông (kênh xáng) Chắc Băng. Lượng mưa bình quân từ 2.459 mm/năm.
Phát huy tiềm năng và lợi thế từ tuyến đường hành lang, huyện đã và đang quy hoạch phát triển các loại hình du lịch để thu hút khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan. Về phát triển du lịch sinh thái miệt vườn, huyện sẽ khôi phục và phát triển vườn dâu ở xã Biển Bạch, vườn chim ở xã Biển Bạch Đông, làng nghề thủ công đan đát ở xã Tân Bằng, dệt chiếu ở xã Tân Lộc và một số vườn cây ăn trái,... Để phát triển du lịch văn hoá - lịch sử, du lịch tâm linh, huyện sẽ phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành trùng tu, nâng cấp, mở rộng Đền thờ Vua Hùng, Phủ thờ Bác Hồ, di tích Cây Vú sữa Miền Nam; triển khai xây dựng Đề án bảo tồn khu phố Thới Bình thành khu phố cổ,... đồng thời, tích cực phối hợp thực hiện Dự án phục dựng Khu Căn cứ Xứ ủy Nam bộ - Trung ương Cục miền Nam (cuối năm 1949 - đầu năm 1955) trên địa bàn huyện. Tại các địa điểm này, huyện đã xây dựng các tuyến đường ô tô kết nối thông suốt với đường hành lang, sẵn sàng đón du khách đến tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu lịch sử - văn hoá, sinh hoạt tâm linh. Hai loại hình du lịch này theo tuyến đường hành lang sẽ kết nối du lịch của huyện với du lịch tham quan Mũi Cà Mau, Khu tưởng niệm Bác Hồ, di tích CM12 - Hòn Đá Bạc, lễ hội Nghinh Ông - Sông Đốc,... thuộc các huyện bạn và du lịch của các địa phương ngoài tỉnh, tạo thành tua tham quan du lịch hết sức hấp dẫn trong giai đoạn hiện nay và trong tương lai./.
Nguyễn Văn Đô